Strict Standards: Declaration of mosDMDocument::load() should be compatible with JTable::load($keys = NULL, $reset = true) in /home/chuvanan/public_html/administrator/components/com_docman/docman.class.php on line 0

Strict Standards: Declaration of mosDMDocument::save() should be compatible with JTable::save($src, $orderingFilter = '', $ignore = '') in /home/chuvanan/public_html/administrator/components/com_docman/docman.class.php on line 0

Strict Standards: Declaration of mosDMDocument::move() should be compatible with JTable::move($delta, $where = '') in /home/chuvanan/public_html/administrator/components/com_docman/docman.class.php on line 0

Strict Standards: Declaration of mosDMDocument::publish() should be compatible with JTable::publish($pks = NULL, $state = 1, $userId = 0) in /home/chuvanan/public_html/administrator/components/com_docman/docman.class.php on line 0

Strict Standards: Declaration of mosDMCategory::getInstance() should be compatible with JTable::getInstance($type, $prefix = 'JTable', $config = Array) in /home/chuvanan/public_html/administrator/components/com_docman/docman.class.php on line 0

Strict Standards: Declaration of JParameter::loadSetupFile() should be compatible with JRegistry::loadSetupFile() in /home/chuvanan/public_html/libraries/joomla/html/parameter.php on line 0
Thứ năm, 09 Tháng 7 2015 02:49

NHỮNG ĐỊA-DANH

Written by
Rate this item
(0 votes)

NHỮNG  ĐỊA-DANH 

LIÊN-HỆ  ĐẾN  DANH-SƯ  CHU VĂN AN

 

HÀ  MAI-PHƯƠNG  &  LƯU-CHU  THANH-TAO

 

Lời Dẫn Nhập  :  Ngoài hai trường trung-học CHU VĂN-AN  nổi tiếng ở Hà-Nội trước năm 1954 và ở Sài-Gòn sau năm 1954,  cùng nhiều đường, phố vinh-danh Chu Văn-An khắp nơi trong nước; trong các sách cũ khi nhắc tới sự-tích và hành-trạng của vị danh-sư “hưng quốc” đời Trần này còn có nhiều địa-danh nổi tiếng có liên-hệ tới Chu Văn-Trinh Tiên-sinh.  Nay xin ghi chép trong bài viết này để các đồng-môn CVA đỡ mất công tra-cứu.

                                                                        H.M.P.  (CVA 1958-1959)

SINH-QUÁN  CỦA  VĂN-TRINH  TIÊN-SINH :  XÓM  VĂN

Sinh-quán của Chu Văn-An hay Chu-An [1292-1370] (1) ở Xóm Văn  hay Thôn Văn  thuộc xã Thanh-Liệt  tức Làng Quang hay xã Quang-Liệt cũ (2) ở bên bờ sông Tô-Lịch  [ngọn nguồn của Nhuệ-Giang], huyện Thanh-Trì, phủ Thường-Tín, trấn Sơn-Nam Thượng; sau này thuộc tỉnh Hà-Đông cũ; nay là huyện ngoại-thành Hà-Nội.  Sau khi Chu Văn-An mất, làng Quang-Liệt (tức Thanh-Liệt sau này),  thờ Chu Văn-An làm thành-hoàng ở Đình Nội thuộc Thôn Văn  (3).  Xã Thanh-Liệt có 4 thôn :  Thôn Cự,  Thôn Đương,  Thôn Quang [hay Làng Quang] và Thôn Văn [xưa là Xóm Văn].   Xã Thanh-Liệt giáp-giới với làng Hoàng-Cung ở bên kia sông Tô-Lịch, có Cầu Bươu bắc ngang sông này để hai làng thuận-tiện qua lại...

Hiện còn một số tục-ngữ, phong-dao về quê-hương danh-sư Chu Văn-An :

-- Hỡi cô đội nón quai thao,

Đi qua Thanh-Liệt thì vào làng anh.

Làng anh Tô-Lịch trong xanh,

Có nhiều vải, nhãn ngon lành em ăn !

-- Vải [làng] Quang, húng [làng Láng], ngổ Đầm [làng Linh-Đàm].

-- Hồng Làng Quang, vàng Làng Tó; kéo vó Xóm Văn.

-- Làng Quang dưa, vải khắp đồng,

Ngô, khoai khắp ruộng, nhãn lồng Xóm Văn…

LÀNG  HOÀNG-CUNG  VÀ  CUNG-HOÀNG  HỌC-HIỆU

Theo Đại-Nam Nhất-Thống-Chí  tại làng Hoàng-Cung có đền thờ danh-sư Chu Văn-An ở  Cung-Hoàng Học-Hiệu, nơi Quốc-tử-giám Tư-nghiệp Chu Văn An từng mở trường dạy học và đào-tạo được nhiều nhân-tài lỗi-lạc… Xã Hoàng-Cung [hay Huỳnh-Cung] ở tổng Cổ-Điển, ngay bên cạnh xã Quang-Liệt, cũng thuộc huyện Thanh-Trì, phủ Thường-Tín, trấn Sơn-Nam-Thượng; thời Pháp-thuộc, thuộc tỉnh Hà-Đông; nay là thôn Hoàng-Cung, xã Tam-Hiệp, huyện Thanh-Trì ngoại-thành Hà-Nội.

 Theo Dư-Dịa-Chí (trong Lịch-Triều Hiến-Chương Loại-Chí của Phan Huy-Chú, bản dịch của Tố-Nguyên Nguyễn Thọ-Dực, Phủ Quốc-Vụ-Khanh Đặc-trách Văn-hoa Xuất-bản, Sải-Gòn, 1971),  nhà đọc sách cũng là trường dạy học của Chu Văn-An tiên-sinh ở trên một gò đất lớn, quay mặt xuống một đầm nước rộng.  Sau khi tiên-sinh mất, hàng huyện lập đền thờ Chu Văn-An ở đấy…  Đền dựng từ năm nào không được rõ.  Năm 1717 đền được tu-bổ và có dựng bia ca-tụng công-đức danh-sư Chu Văn-An.  Văn bia do Ngự-sử Nguyễn Công-Thái [1684-1758] soạn. 

Tới năm 1785, đền thờ lại được trùng-tu, do quan Tham-tụng Bùi Huy-Bích khởi xướng.  Hàng năm, xuân thu nhị kỳ, theo lệ cũ, Triều-Đình đều có cử quan Khâm-mạng tới đền tế-lễ cùng với các văn-thân... 

Năm 1807  --  dưới đời vua Gia-Long  --   Nguyễn Huy-Vịnh [là con danh-sĩ Nguyễn Huy-Tự, tác-giả truyện thơ Hoa-Tiên ] có làm bài ký Thăm Đền Chu Văn-An.  Theo bài ký này, bấy giờ đền thờ Chu Văn-Trinh Tiên-sinh  [tức Chu Văn-An] có tòa chính-đường 5 gian và 2 tòa giải-vũ (mỗi tòa 3 gian); đắp tường đất bao-quanh đền,   Bài vị sơn son thếp vàng đề các chữ Trần Triều Quốc-Tử-Giám Tư-Nghiệp, Tiến tặng Văn-Trinh Công Phu-Tử, Tứ Thụy Khang Tiên-Sinh Thần Vị  (có nghĩa là : vị Tư-Nghiệp ở Quốc-Tử-Giám triều nhà Trần, được tiến tặng bậc Phu-tử là ông Văn-Trinh  --  tức Chu Văn-An  --  lập thần-vị với tên thụy được ban là Khang Tiên-sinh).  Trước đền có Thạch Hương Kỷ là cái bàn bằng đá trên có lò hương khắc bài văn ca-tụng phong-cách và gương sáng của Chu Văn An Tiên-sinh... Bia của Ngự-sử Nguyễn Công-Thái dựng trên lưng rùa đá ở bên hữu Thạch Hương Kỷ...

Năm 1860  --  dưới đời vua Tự-Đức  --  người trong huyện Thanh-Trì là các ông Trịnh Lý-Hanh và Hoàng Đình-Chuyên lại gia công tu-bổ đền và công ích này đã được nhắc tới trong văn bia do danh-sĩ Nguyễn Văn-Siêu soạn và dựng ở đền.

Đền thờ Chu Văn-An ở xã Hoàng-Cung đã bị hủy-hoại trong thời-kỳ “Tiêu-thổ Kháng-chiến chống Pháp” vào năm 1946; nay chỉ còn lại ít dấu-tích như nền tường và hai cột cửa...

ĐỀN  HIỂN-KHÁNH  VÀ  ĐỀN  XÀ-KIỀU

Đền Hiển-Khánhxã Linh-Đàm hay Linh-Đường, tổng Thanh-Liệt [Quang-Liệt cũ], huyện Thanh-Trì, tỉnh Hà-Đông cũ; nay là thôn Linh-Đàm, xã Hoằng-Liệt, huyện Thanh-Trì ngoại-thành Hà-Nội.  Đền Hiển-Khánh thờ một vị Thủy-thần, tương-truyền là học-trò của Chu Văn-An, được tôn xưng là Hoằng-Trạch Đại-Vương.

Theo Tang-thương Ngẫu lục,  ở xã Bằng-Liệt [tổng Thanh-Liệt] có đền Xà-Kiều thờ vị Thủy-thần con Long-vương ở Sông Nhuệ.  Tương-truyền vị thủy-thần này là học-trò của danh-sư Chu Văn-An.  Theo truyền-thuyết, đời vua Trần Minh-Tông [ở ngôi từ năm 1314 đến năm 1323], có năm đại-hạn.  Bấy giờ Chu Văn-An dạy học ở Linh-Đàm, thấy một người học-trò có tướng lạ thường từ Đầm Đại là hồ nuớc ở Linh-Đàm đi lên.  Chu Văn-An có ý ngờ người học-trò này là một vị thủy-thần.  Ông đã ngỏ lời nhờ người học-trò này hóa phép làm mưa để cứu nạn hạn-hán của dân-chúng địa-phương.  Người học-trò này đã vâng lời Thày, tạo mưa cứu nạn khô-hạn cho cả vùng Thanh-Liệt.  Xong việc, người học-trò “hóa” [kính-ngữ dành cho các vị thánh, thần từ-trần].  Dân-chúng địa-phương nhớ ơn người học-trò ấy và lập đền thờ…

Ngoài đền thờ Thủy-thần ở Bằng-Liệt và  Linh-Đàm,  các làng Tứ-Kỳ, Tựu-Liệtxã Đại-Từ [nay thuộc xã Đại-Kim] đều thờ vị Thủy-thần tương-truyền là học-trò của Chu Văn-An Tiên-sinh...

PHƯỢNG-HOÀNG SƠN

Đời vua Trần Dụ-Tông, sau khi dâng “Thất Trảm Sớ” xin chém 7 tên quyền-thần gian-nịnh trong triều mà vua không thuận, Chu Văn-An xin từ quan, về ở ẩn ở núi Phượng-Hoàng,  tự xưng là Tiều-Ẩn [có nghĩa là người tiều-phu ở ẩn].

Theo Dư-Địa Chí,  vùng núi Phượng-Hoàng thuộc xã Kiệt-Đặc  --  cho nên cũng gọi là núi Kiệt-Đặc  --  ở huyện Chí-Linh, trấn Hải-Dương; nay thuộc xã Văn-An – tên xã này là để vinh-danh lương-sư Chu Văn-An  --  ở huyện Chí-Linh, tỉnh Hải-Dương.  Vùng núi này, ngọn ở giữa cao chót-vót, hai bên trải dài như đôi cánh chim phượng cho nên gọi là núi Phượng-Hoàng hay Phượng-Hoàng Sơn… Nơi đây có lăng mộ và đền thờ danh-sư Chu Văn-An và những di-tích thời Chu Văn-An ẩn-cư ở đấy như  Giếng Son [ đáy giếng có bùn màu đỏ; người ta lấy bùn này phơi khô để làm son] (4); bên giếng có ao Miết-Trì  hay Ao Rùa hoặc ao Ba-Ba,  tục gọi là Đĩa Son [Chu Văn-Trinh từng làm thơ vịnh ao Miết-Trì]… và những địa-danh vào đời nhà Trần nay chỉ còn thấy ghi ở trong sử sách như chùa Huyền-Thiên, cung Tử-Cục, điện Lưu-Quang…

Theo Đại-Nam Nhất-Thống Chí  [tỉnh Hải-Dương],  núi Phụng-Hoàng hay Phượng-Hoàng Sơn  ở xã Kiệt-Đặc, cách huyện-lỵ Chí-Linh khoảng 12 dặm ta về phía bắc.  Đời vua Lê Hiển-Tông [ở ngôi từ 1740 đến 1786], Hiến-sát-sứ trấn Hải-Dương là Lê-Đản, dựng bia ở nơi nhà cũ danh-sư Chu Văn-An ẩn-cư với các hàng chữ “Chu Văn-An Tiên-Sinh Ẩn-Cư Xứ”.  Năm 1841 [dưới đời vua Thiệu-Trị],  Án-sát tỉnh Hải-Dương là Nguyễn-Thu [1799-1855; hiệu là Định-Phủ] đứng ra quyên góp và dựng đền ở nền nhà ẩn-cư xưa của Chu Văn-An, gọi là Phượng-Sơn Từ  tức đền Phượng-Sơn.  Đền có tự-điền để dân địa-phương cày cấy lấy hoa-lợi phụng-tự.  Các tác-phẩm và thơ văn về Chu Văn-An cũng được thu-thập biên-soạn thành tập  Phượng-Sơn Từ Chí Lược.  Năm 1904,  Đốc-học tỉnh Thanh-Hóa là Vương Duy-Trinh và  Đốc-học tỉnh Ninh-Bình là Nguyễn Thượng-Hiền đứng ra quyên góp và cho khắc mộc-bản để in tập sách nói trên.

Vùng núi Kiệt-Đặc hay Phượng-Hoàng Sơn từng được ca-tụng trong sách An-Nam Chí  là “nơi có suối trong rửa đá, hang thẳm thổi gió, cảnh-vật thật là siêu-thoát”.

Dư-Địa-Chí  của Phan Huy-Chú  cũng chép bài thơ của Tư-đồ Trần Nguyên-Đán [1325-1390; ông ngoại của Nguyễn-Trãi] vịnh núi Phượng-Hoàng,  nguyên-tác Hán-văn; phiên âm như sau :

Song Phụng du du, vọng yểu minh; 

Phụng-Hoàng vạn cổ ái phương-danh. 

Lân phong tháp đảo như cù ảnh, 

Miết thủy tuyền minh tác vũ thanh.

 Nguy đặng kinh niên, thương tiễn hợp. 

Tân  kiều, đái-lộ hắc chi sinh. 

Tùng phong nhật noãn huyên không hưởng, 

Tương tự lai nghi tấu cửu thành

Tố-Nguyên Nguyễn Thọ-Dực dịch ra thơ như sau :

Thấy đâu song phụng cõi mơ-màng,

Muôn thuở danh thơm nức Phượng-Hoàng.

Tháp ngã núi Lân hình sấu lộn,

Suối tuôn hồ Miết tiếng mưa vang.

Năm nhiều cỏ tiễn che ghềnh thác,

Cầu mới bông chi nở móc sương.

Êm-ấm thông reo thành chín khúc,

Giống như lại múa giữa triều-đường.

Sách Hải-Dương Phong-Vật Khúc  của Trần Đạm-Trai  (bản dịch của Nguyễn Đình-Diệm, Bộ Văn-hóa Giáo-dục và Thanh-Niên, Sài-Gòn, 1968), cũng ca-tụng nơi ở ẩn của Chu Văn-An như sau :

…Cánh Phượng-Hoàng mạch liền Phượng-Nhãn,

Nước cùng son bao cạn đĩa nghiên.

Xưa nay còn tiếng để truyền,

Có cung Tử-Cực có đền Lưu-Quang.

Tán kình thiên hàng ngàn tùng bách.

Cảnh thanh-u quy khách quý nho,

Am mây nối gót thầy Chu,

Rành-rành bia tạc ngàn thu bao mòn !

            Sách  Dư-Địa Chí cũng chép hai bài thơ của Chu Văn-Trinh Tiên-sinh khi ngọan-cảnh ở vùng núi Phượng-Hoàng. 

            Tại sườn núi Phượng-Hoàng có chùa Lệ-Kỳ, thời Trần-sơ, đạo-sĩ Huyền-Vân ẩn-cư ở đó để luyện thuốc tiên.  Chu Văn-Trinh Tiên-sinh có thơ vịnh cảnh ấy, nguyên-tác Hán-văn như sau :

            Vạn điệp thương sơn thốc họa bình,

            Tà dương đảo quải bán khê minh.

            Lục la kinh lý vô nhân đáo,

            Sơn thước đề yên thời nhất thanh.

            Tố-Nguyên  Nguyễn Thọ-Dực dịch ra thơ :

            Muôn lớp non xanh như bức vẽ,

            Bóng chiều ngã sang nửa dòng khe.

            Rêu phong đường tắt không người tới,

            Tiếng khách kêu mù có lúc nghe.

            Khi lên núi Thanh-Lương ở xã Hắc-Động; dưới núi có bến đò Vạn, đó là sông Thanh-Lương; trên đỉnh núi có chùa cổ, lên đây ngắm cảnh, tất cả núi sông của 7 huyện Kinh-Môn đều lọt vào tầm con mắt.  Chu Văn-Trinh Tiên-sinh có thơ vịnh, nguyên-tác Hán-văn như sau :

            Sơn yêu nhất mạt tịch dương hòanh,

            Lưỡng luỡng ngư châu ngạn bạn hành.

            Độc lập Thanh-Lương giang thượng vọng,

            Hàn phong táp táp nộn triều sinh.

            Tố-Nguyên tạm dịch ra thơ :

            Bóng tà một vạch ngang lưng núi,

            Thuyền chài đi đôi lối ven sông.

            Sông Thanh-Lương mãng đứng trông,

            Hiu-hiu gió lạnh đến cùng triều sinh.

           

            Ngoài Văn-Miếu Hà-Nội thờ danh-sư Chu Văn-An, trước thời Pháp-thuộc còn có đình  thôn Phương-Viên  [xưa là Hương-Viên] ở tổng Hậu-Nghiêm  [sau đổi là tổng Thanh-Nhàn], huyện Thọ-Xương, thành-phố Hà-Nội, cũng thờ Chu Văn-An.  Đình này đã bị chiến-tranh hủy-hoại năm 1951; các bài-vị và đồ thờ ở đình dời sang chùa Phương-Viên [chưa rõ hiện-trạng của chùa này].  Còn nền đình cũ nay là nhà cao-tầng…

CHÚ-THÍCH

1.  Chưa biết vì nguyên-do nào mà Tự-điển Nhân-Vật Lịch-Sử Việt-Nam [của Nguyễn Q.Thắng và Nguyễn Bá-Thế; Nhà Xuất-bản Văn-Hóa, 1993], tại trang 81 lại dùng họ CHÂU thay cho họ CHU và Tự-điển này không có họ CHU, theo đó  Chu-An hay Chu Văn-An đã chính-thức được đổi ra là CHÂU-AN (Chu Văn An).  Nếu cho rằng các tác-giả này là người Nam, quen dùng các họ gọi theo tiếng Miền Nam, thì tại sao, trong tự-điển nói trên lại có cả hai họ VÕ và họ VŨ ?  Chẳng hạn như trang 958 ghi là VÕ HỮU-LỢI;  trang 959 lại ghi là VŨ KHÂM-LÂM.  Vả các nhân-danh hay địa-danh dân-chúng đã quen dùng, nay đổi theo ý các soạn-giả hay nhà xuất-bản hoặc nhà nước thì khi nói tới thi-sĩ VŨ HOÀNG-CHƯƠNG  mà đổi là VÕ HOÀNG-CHƯƠNG, độc-giả sẽ rất bỡ-ngỡ;  ngay cả dùng họ này trong các dấu ( ) : Chẳng hạn như :  CHÂU-AN (CHU-AN).

2.  Theo Các Tổng Trấn Xã Danh Bị Lãm,  đầu đời nhà Nguyễn,  tổng Quang-Liệt có có các xã :  Quang-Liệt,  Tựu-Liệt,  Bằng-Liệt  [có 2 xóm Bằng Thượng và Bằng Hạ],  Linh-Đường [hay Linh-Đàm; có 2 thôn Linh-Đường và Đại-Từ] và Hoằng-Liệt.  Đời vua Thiệu-Trị, năm 1844, vì kỵ húy, đổi tên tổng và xã Quang-Liệt ra là Thanh-Liệt. Theo Danh-mục Các Làng xã Bắc-Kỳ  của Ngô Vi-Liễn,  tổng Thanh-Liệt  có 6 xã :  Thanh-Liệt  [Quang-Liệt cũ],  Bằng-Liệt [có 2 làng Bằng-Liệt Thượng và Bằng-Liệt Hạ],  Linh-Đàm [hay Linh-Đường],  Pháp-Vân  [hay Kẻ Vân; nguyên là một thôn của xã Hoằng-Liệt], Tứ-Kỳ  [tục danh là làng Đình Gạch hay Làng Tứ; nguyên là một thôn của xã Hoằng-Liệt] và Tựu-Liệt.

3. Thôn Văn còn có Đình Ngoại thờ Ông Phạm-Tu  [476-548],  một vị tướng của Lý-Bôn tức vua Lý Nam-Đế.

4.  Theo Chí-Linh Phong-Thổ Ký  [khuyết-danh],  chân núi Kiệt-Đặc tức Phượng-Hoàng Sơn có Giếng Son, đáy giếng có bùn đỏ; người ta dùng ống tre cắm xuống đáy giếng lấy bùn đỏ lên,  đem phơi khô có được thứ son “nhất hạng”.  Những son lấy được trên mặt đất ở vùng núi này không phải là son hảo-hạng như ở Giếng Son.  Vì đặc-sản này mà dân  địa-phương bị đánh thuế nặng, nên họ đã lấp giếng đi nay không rõ giếng ở đâu.  Tiến-sĩ Thái-Thuận  [trong Tao-Đàn Nhị-Thập-Bát Tú  đời vua Lê Thánh-Tông] làm thơ có nhắc về việc này như sau :  Tăng hộ thường quan nhân úy hổ;  Thanh nham đa quật vị tầm châu;  có nghĩa là : Vì sợ cọp, cửa thiền vẫn đóng; Muốn tìm châu [tức “son”] mà hang đá bị đào tung [để tìm Giếng Son].  “Châu  hay “chu” là màu son đỏ [dùng để chấm bài cho học-trò].  Bút phê của Vua gọi là  Châu-Phê  và những giấy tờ có lời phê màu son đỏ của Vua gọi là  Châu Bản.  Bản dịch Dư-Dịa Chí của Tố-Nguyên về giếng ở chân núi Phượng-Hoàng, không rõ nguyên-bản ra sao, đã dịch lầm như sau : “Dưới núi có giếng, đáy giếng có ngọc châu tốt nhuyễn như bùn, phơi khô thành ngọc”. 

* Các Địa-danh trên trích trong Sơ-thảo Bách-khoa Tự-điển ĐỊA-DANH VIỆT-NAM  của H.M.P. & L.C.T.T. [chưa xuất-bản]

 

HÀ  MAI-PHƯƠNG  &  LƯU-CHU  THANH-TAO

 

Read 11856 times
More in this category: Tai sao Vu Hoang Chuong bi bat »
Bạn đang ở trang: Home Bài viết NHỮNG ĐỊA-DANH