Strict Standards: Declaration of mosDMDocument::load() should be compatible with JTable::load($keys = NULL, $reset = true) in /home/chuvanan/public_html/administrator/components/com_docman/docman.class.php on line 0

Strict Standards: Declaration of mosDMDocument::save() should be compatible with JTable::save($src, $orderingFilter = '', $ignore = '') in /home/chuvanan/public_html/administrator/components/com_docman/docman.class.php on line 0

Strict Standards: Declaration of mosDMDocument::move() should be compatible with JTable::move($delta, $where = '') in /home/chuvanan/public_html/administrator/components/com_docman/docman.class.php on line 0

Strict Standards: Declaration of mosDMDocument::publish() should be compatible with JTable::publish($pks = NULL, $state = 1, $userId = 0) in /home/chuvanan/public_html/administrator/components/com_docman/docman.class.php on line 0

Strict Standards: Declaration of mosDMCategory::getInstance() should be compatible with JTable::getInstance($type, $prefix = 'JTable', $config = Array) in /home/chuvanan/public_html/administrator/components/com_docman/docman.class.php on line 0

Strict Standards: Declaration of JParameter::loadSetupFile() should be compatible with JRegistry::loadSetupFile() in /home/chuvanan/public_html/libraries/joomla/html/parameter.php on line 0
Thứ sáu, 04 Tháng 6 2021 02:28

ANH EM ONG NHAT LINH

Written by
Rate this item
(0 votes)

ANH EM ÔNG NHẤT LINH VÀ TRƯỜNG BƯỞI (Chu Văn An)

Nguyễn Tường Tâm (CVA 1964)

(Trích thuật từ cuốn “Việt Nam Một Thế Kỷ Qua, Hồi Ký cuốn I” của Bác sĩ Nguyễn Tường Bách, Hồi ký của bà Nguyễn Thị Thế, em ruột Nhất Linh, “Chân dung Nhất Linh” của Nhật Thịnh và cuốn cuốn “Sống và Viết với…Nhất Linh và mười một nhà văn khác” của Nguien Ngu Í được tác giả viết nguyên văn theo lời thuật của Nhất Linh)

Bác sĩ Nguyễn Tường Bách, em thứ 7 (út) của nhà văn Nhất Linh nhập học trường Bưởi năm 1929. Trong Hồi Ký cuốn I, ông mô tả trường Bưởi cùng không khí trong trường cũng như ngoài xã hội vào năm 1929 & 1930 như sau:

Trường Bưởi năm 1929.

Hồi ký Ng Tường Bách trang 33: Năm 1929, tôi thi vào trường Bưởi, tên chính thức là Trung Học Bảo Hộ. Chỉ có mỗi con đường này thôi, vì nếu không thi đỗ tất phải theo học tại những trường tư thục, như Thăng Long, Gia Long, vừa tốn tiền vừa không dễ thi lấy được bằng Thành Chung. Còn trường Albert Sarraut, trường trung học cao cấp, thì rất khó xin vào, tiền học rất cao, thường chỉ có người Pháp hay một số ít gia đình giầu có đặc biệt mới có con em vào học.

Trường Bưởi gồm mấy tòa nhà ba tầng, quét vôi mầu vàng, nằm ngay bên cạnh Hồ Tây, và một bên là đường xe điện chạy lên Bưởi. Từ đường Quan Thánh đi lên, một bên là phủ Toàn Quyền, với đằng sau là vườn Bách Thú (tên gọi hồi ấy). Một chòi lính canh sơn mầu tam tài đứng ngay cạnh lối vào vườn.

Nếu rẽ sang bên Hồ Tây, thì qua đền Quan Thánh, sẽ bước vào con đường lịch sử: đường Cổ Ngư, nằm giữa hai mặt hồ Trúc Bạch và Hồ Tây. Con đường nên thơ này không rõ có từ bao giờ, nhưng hồi đó nó đã là một chỗ dạo chơi của người Hà Nội, nhất là về mùa hè nóng nực, là một nơi để bơi lội. Chiều tới, nhiều cánh buồm phất phơ trên mặt nước mênh mang mãi tới rặng cây Nghi Tàm xa xa – một cảnh tượng êm đềm.

Người thi vào trường Bưởi rất đông, nhưng năm đó chỉ chọn lấy 130 người. Hi vọng mỏng manh, gia đình khuyến khích thì tôi đi thi xem sao, không ngờ lại may mắn “trúng tủ”, tôi đỗ số 28, nhờ ở bài Pháp văn.

Để đón tiếp ngày vào trường, ở nhà may cho một cái áo dài trắng, và một áo the mới. Dạo đó, chưa có mốt mặc quần áo tây. Thành ra, học trò nào cũng xúng xính như những ông đồ nho, trông đạo mạo như ông cụ non.

Ngày khai trường, học trò mới qua cổng lớn tụ tập ở sân trường, giữa những gốc bàng và gốc sấu cao. Người đầu tiên chúng tôi gặp là một ông giáo sư Pháp cao lênh khênh, cưỡi một cái xe đạp không tương xứng với thân hình. Nhưng ông này xem có vẻ thân thiện, mỉm cười trước những học trò còn ngơ ngác. Sau này mới biết tên là Foulon, giáo viên địa dư và lịch sử.

Một ông khác mập hơn, vẻ mặt nghiêm khắc hơn, tới bắt chúng tôi xếp hàng và đứng im để đợi viên hiệu trưởng tới huấn thị. Chúng tôi đã nghe đồn ông Autigeon có tiếng là nghiêm khắc khó xơi, nên hồi hộp đứng chờ.

Một lát, một người mập, to ngang, mặt tròn từ trong bước ra thềm. Mọi người đều răm rắp bỏ mũ. Hiệu trưởng đưa mắt gườm gườm ngang trên đám học trò mới, rồi cất giọng nói ồm ồm không chút cảm tình, về kỷ luật, về những điều phải tuân thủ. Không biết những bạn khác nghĩ ra sao, chứ riêng tôi thấy khó chịu và cả không khí chung quanh nặng nề khó thở.

Một bầu không khí thực dân…tôi nghĩ. Tôi liên tưởng đến những truyền đơn, báo bí mật và những tiếng đồn về các hội kín chống Pháp. Trong đầu óc tôi, Autigeon, tuy chỉ là một ông đốc trường, nhưng cũng là một nhân vật tiêu biểu đáng ghét. Từ ngày ấy, đối với nhà trường, tự nhiên tôi đã không có thiện cảm.

Cũng như mấy anh lớn trước đây, tôi đến trọ ở nhà một ông cụ trong làng Bưởi. Ở đây, thường thường được ăn cá tươi do ông bắt được bằng đinh ba, ban đêm – vì chính ông lại là người coi cá ở hồ này. Ở đây, một bạn học năm thứ ba có đến tìm tôi, và đưa một tờ truyền đơn ký tên là “Thanh niên Ái quốc,” rủ tôi vào một tiểu tổ lúc đó thành lập ngay trong trường. Tôi tỏ ý tán thành. Anh hẹn sẽ liên lạc sau này khi có công việc cần làm. Nhưng sau, tình hình khẩn trương. Mật thám đã chú ý khắp nơi, và mọi tiếp xúc đều phải tạm ngừng. Không bao lâu sau là cuộc khủng bố lớn đối với Việt Nam Quốc Dân Đảng. Từ đó tôi không gặp lại người bạn ấy, và nghe nói có mấy người lớp trên bỏ học.” Mấy giòng cuối cho thấy không khí trong Trường Bưởi thời cuối 1929 đầu 1930.

Ở trang 37, BS Bách mô tả không khí tại Hà Nội nơi có trường Bưởi. “Chính trong thời gian đó, anh Tam (Nhất Linh) từ Pháp trở về với cái bằng Cử nhân Vật lý học…Đường Giám. Một ngày tháng 2 năm 1930. Đầu xuân, trời hơi lạnh. Buổi tối, độ chín mười giờ. Ánh sáng vàng khè của mấy ngọn đèn điện lù mù chiếu trên đường phố vắng tanh. Bên kia đường, dẫy tường gạch, đằng sau là Văn Miếu tối om om.

Bà tôi, mẹ tôi đã đi ngủ. Nhớ lại, còn ngồi trên gác đọc sách có anh Tam, anh Sáu (Thạch Lam) và tôi. Anh Cả (Tường Thụy) đi làm ca đêm vắng nhà. Chung quanh im lặng. Bỗng, đột ngột, vẳng từ xa đến mấy tiếng nổ, xem ra lớn hơn tiếng súng thường.

Tiếng gì đây? Mọi người sửng sốt. “Súng? Bom, tạc đạn?” Trong thời kỳ bất thường này, chúng tôi nghĩ ngay đến một cuộc nổi dậy. Anh Tam chạy ra phía cửa sổ, hé mở cánh cửa nghe ngóng. Vài tiếng nổ thêm, lác đác. Trong thâm tâm, chúng tôi hi vọng đây sẽ là một cuộc tấn công lớn của Cách mệnh; đều khát vọng cuộc khởi nghĩa sẽ đưa tới chấm dứt sự thống trị hung tàn của thực dân, dành được độc lập tự do cho dân tộc. Tiếng nổ hình như vọng tới từ trên, phía bờ sông. Nhưng rất nhanh, im lặng lại trở lại.

Chung quanh có tiếng xì xào. Có người chạy ra ngoài đường để quan sát. Nhưng qua độ mươi lăm phút, đã thấy tiếng ồn ào khắp nơi. Rồi đến những tiếng quát tháo chung quanh, tiếng gót giầy nặng chình chịch từ phố bên tới.

Vội vàng chúng tôi đóng cửa sổ lại. Qua khe cửa, thấy một tốp lính cao lớn – chắc là Lê Dương (legion – lính đánh thuê) chạy rầm rập vào phố, dừng lại, xem xét chung quanh, rồi cắt lính cầm lưỡi lê gác đầu và cuối đường. Anh em chúng tôi chờ một thời gian, không thấy có động tịnh gì khác, lại đặt mình xuống giường. Không ai nói với ai một câu nào, nhưng đều biết là suốt đêm trằn trọc không ngủ được. Có lẽ ai cũng đã cảm thấy thất vọng sâu xa.

Buổi sáng sớm, anh Thụy mới về đến nhà. Anh nói là trên đường phố vắng ngắt, vì vừa mới giới nghiêm. May anh có tấm căn cước nhà Bưu chính cấp cho, nên cũng thuận lợi trên đường.

Hôm sau, mới biết là mấy nhà cách mệnh đã ném tạc đạn vào bóp cảnh sát Hàng Đậu, định chiếm một số vũ khí, nhưng đã không thành công, và hai, ba người đã bị bắt. Mặc dầu thất bại, nhưng tấm gương anh hùng ấy vẫn luôn luôn in mãi trong trí óc anh em chúng tôi.

Rồi sau biết tin cuộc khởi nghĩa Yên Bái oanh liệt đã bị bọn thực dân đàn áp một cách tàn bạo, dã man. Bao nhiêu án tử hình, khổ sai đè lên đầu những người Việt bất khuất.” Có lẽ chính vì biến cố chính trị lớn lao này mà trong Hồi Ký Bác sĩ Bách ghi tiếp “Từ đó tôi không gặp lại người bạn ấy, và nghe nói có mấy người lớp trên bỏ học.”

Vốn đã không thích không khí nhà trường (BS Bách viết “tôi thấy khó chịu và cả không khí chung quanh nặng nề khó thở.”) và lại đã biết quan tâm tới tình hình đất nước (BS Bách viết “Một bầu không khí thực dân…tôi nghĩ. Tôi liên tưởng đến những truyền đơn, báo bí mật và những tiếng đồn về các hội kín chống Pháp.”), thì việc tác giả từ giã ngôi trường Bưởi không khiến độc giả bất ngờ. Trang 41 Hồi Ký ông viết “1931. Suy nghĩ vài tháng rồi, tôi lấy một quyết định nguy hiểm: bỏ học về nhà. Tôi sợ nói ra, mẹ tôi và các anh chị sẽ phê bình tới tấp và sẽ ngăn cản. Vì có ai dại mà bỏ đi một trường học tốt như vậy, không dễ thi vào. Và nếu tự học thì có làm nổi không, bằng Tú Tài đâu phải dễ lấy; mà tôi lúc này mới lên năm thứ hai (lớp 6 bây giờ). Khác hẳn với dự đoán của tôi, các anh tôi chẳng ai cho là việc đáng bàn, còn mẹ tôi sau khi do dự, cũng bằng lòng…Tôi vác đơn xin thôi học, không ngờ, một ông giáo người Pháp xưa nay có tiếng là ác, bắt học trò phải ngồi im như phỗng trong khi ông giảng lịch sử, và bị tôi ghét nhất, xem đơn của tôi lại tỏ ra ân cần, giữ tôi ở lại:

-“Anh có gì khó khăn? Anh là một học sinh giỏi, có tương lai mà? Đừng nên bỏ trường.” ông nói.

-Thưa ông, vì gia đình tôi phải dọn về quê, nên rất tiếc không đi học ở đây được nữa,” tôi vin cớ giải thích.

-“Đáng tiếc thực. Sau này, có dịp trở lại, tôi sẽ nói với ông hiệu trưởng.”

Lúc này, tôi không thấy ông đáng ghét như trước. Thì ra, chỉ nhìn qua bề ngoài, không thể hiểu được tính cách của con người.

Sự thực, cớ chính là tôi ghét không khí nhà trường và cũng vì muốn tránh gò bó, hãy được tự do bay nhẩy đã, vì bản tính tôi cũng lười.”

Trang 43 “trở về Trại Cẩm Giàng…Tôi mua đủ các sách giáo khoa để tự học, kể cả cái tiếng Anh xa lạ.”

Vì không tiện ở nhà Thạch Lam và người chị ruột (nhà nhỏ), ông Bách ở trọ, một cuộc sống được ông mô tả ở trang 57 “Một lối sống thông thường cho học sinh thời ấy, tuy có vẻ kém nền nếp và lông bông dưới con mắt của một số người…Tôi đến ở với một số bạn, xem ra toàn là đồ quỷ sứ cả, tứ chiếng giang hồ - nghĩa là ở mấy nơi khác tới. Năm đó, thi bằng Tú tài phần thứ nhất, tôi đã “trượt vỏ chuối,” tuy đã “cuốc” bở hơi tai trước kỳ thi. Nguyên nhân là khi khẩu thí, gặp ông giám khảo hắc búa, bắt tôi đọc một đoạn truyện David Copperfield” của Dickens. Tôi gân cổ đọc, còn ông chỉ ngồi cười. Sau tôi mới hiểu, vì ông chẳng nghe hiểu gì hết với cái tiếng Anh lạ tai của tôi. Tất nhiên trượt, về nhà học lại…Một điều an ủi tôi là, trong số anh em cùng trọ, không chỉ có mình tôi đã trượt vỏ chuối, mà phần lớn cũng chung một số phận. Một chàng tên Nhung, trước ngày thi, chắc mẩm lần này sẽ đỗ bằng Thành Chung, sẽ về quê vinh qui bái tổ và cưới vợ ngay, nhưng lúc treo bảng lại không thấy tên mình, tuyệt vọng, về nhà bỏ cả bữa cơm và nằm lì suốt hai ngày không nói năng. Một chàng nữa, thi Tú Tài bản xứ phần thứ Hai, cũng bị đánh rớt, nhưng vẫn thản nhiên, tối đến cùng mấy bạn xuống phố Khâm Thiên để giải sầu. Xin nói rõ là trong bọn đó không có tôi, vì còn quá nhỏ tuổi, chưa đủ tư cách.

Thế là lại phải cuốc một năm nữa. Phải nhai lại những bài cũ, nhất là tiếng Anh khô khan…Một cách chật vật tôi cũng qua được phần thứ nhất bằng Tú Tài Tây, nhờ ông giáo chấm tiếng Anh dễ dãi cho một điểm không đến nỗi quá thấp. Nhưng phải đối diện với phần thứ hai làm sao đây? Theo ý kiến của các bạn, muốn ăn chắc nên xin vào học trong trường trung học Albert Sarraut. Đây là một “trường quý tộc” hơn, nhưng gia đình cũng đồng ý cho tôi vào học, dù tiền học phí hơi cao. Mùi thực dân của trường này tất sẽ nặng nề, nhưng đành phải chịu…Học sinh có người Pháp, nhưng đa số vẫn là người Việt.” Ông Bách theo học đệ Nhất ban triết tại trường này (lớp 12 ngày nay). Theo ông kể với tôi, thời gian mới vào ông thua sút các bạn trong lớp vì kém tiếng Pháp so với cả lớp, nhưng vì ông đã đọc nhiều sách triết nên sau thời gian ngắn ông đã vượt lên trên. Trang 59 Hồi Ký ông viết “Cuối năm, dù không rốc hết sức để ôn tập các bài vở, nhưng may mắn tôi cũng được giải nhất trong lớp và tương đối dễ dàng qua được phần thứ hai bằng Tú Tài Tây, trước vẻ hân hoan của mọi người.” Ông đỗ Tú tài Tây phần hai năm 1937.

Trong tất cả 6 anh em ông Nhất Linh chỉ có BS Nguyễn Tường Bách đỗ Tú Tài rồi vào học Đại học Y Khoa Hà Nội, bởi vì vào thời các anh của ông, hệ thống giáo dục Việt Nam chỉ có tới bằng Thành Chung, tương đương bằng Trung học Đệ Nhất Cấp của Việt Nam Cộng Hòa hay bằng Trung học Cơ Sở của Việt Nam hiện nay (2021). Bằng Thành Chung còn có tên gọi khác là bằng Cao Tiểu.

Trong bài Vài nét về Trường Chu Văn An (1908-1956) “Đến niên khoá 1924-1925, Trường được phép mở thêm cấp Trung học đệ nhị cấp, cho học trò đã có bằng Cao đẳng tiểu học, để thi bằng Trung học bản xứ (Brevet de l’enseignement secondaire local), thường gọi là Tú tài bản xứ[7].” Như vậy phải 1927 mới có khóa thi Tú Tài Việt đầu tiên.

(http://www.archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/vai-net-ve-truong-chu-van-an-1908-1956.htm?fbclid=IwAR3xe-lRTsf991hD5p_o5sdR7OmndMgUYM-QVDiUdwuw-jUUXXp_YyDHHTU)

Vả lại, vào thời đó bằng Thành Chung là bằng cao nhất, đủ để vào học Cao đẳng; sau 3 năm học (ngoại trừ Y sĩ Đông Dương phải học 4 năm) ra trường sẽ có nghề và địa vị cao nhất trong xã hội (Phi Cao Đẳng Bất Thành Phu Phụ: Nhà giầu chỉ gả con gái cho những chàng trai đã tốt nghiệp Cao Đẳng) cho nên sẽ không cần thi tú tài Tây nếu gia đình không đủ điều kiện du học tự túc.

Theo nhà giáo Nguyễn Huệ Chi, từ lớp đầu tiên đến lớp cuối cùng của bậc tiểu học thời Pháp thuộc mất 6 năm gồm:– Lớp Đồng Ấu (Cours Enfantin)– Lớp Dự Bị (Cours Préparatoire)– Lớp Sơ Đẳng (Cours Élémentaire)– Lớp Nhì năm thứ nhất (Cours Moyen 1ère année)– Lớp Nhì năm thứ hai (Cours Moyen 2è année)– Lớp Nhất (Cours Supérieur).

Như vậy khởi đầu tuổi đi học hợp lệ là 6 tuổi, thì trẻ nhất để vào Đệ nhất niên (lớp 6 hiện nay) trường Bảo Hộ (sau đổi thành trường Bưởi) học sinh ít nhất phải 12 tuổi. Học 4 năm nữa mới thi Thành Chung thì học sinh phải ít nhất 16 tuổi.

Trừ Thạch Lam, tất cả năm anh em trai còn lại của ông Nhất Linh đều là cựu học sinh trường Bưởi nhưng đều là những học sinh bỏ nửa chừng để ở nhà tự học thi nhẩy lớp.

Hai anh đầu là Tường Thụy và Tường Cẩm đều học ba năm đỗ bằng Cao Tiểu (Sách của Nguên Ngu Í trang 20) Ông anh cả Nguyễn Tường Thụy sinh năm 1903, em kế Nguyễn Tường Cẩm sinh 1904. Nếu theo đúng tuổi thì 16 sẽ đỗ Thành Chung. Nhưng cả hai ông chỉ học ở trường Bưởi có một năm rưỡi rồi ở nhà tự học thêm một năm, thi băng lớp lấy bằng Thành Chung.

Hồi ký của bà Thế trang 62 viết “Anh Cả, anh Hai đỗ xong Thành Chung nhưng vì kém tuổi nên không được vào Cao đẳng. Sở sĩ kém tuổi là vì ở năm thứ Hai trường Bưởi, bà tôi thấy các anh ấy gầy yếu mới mua cao ban long cho ăn. Ăn xong bổ quá các anh bị phá lở mụn đầy người. Trường cho nghỉ về nhà chữa hẹn khi nào khỏi hẳn lên học lại. Bất đồ về chữa đến hai tháng mới khỏi, lên trường họ xóa tên không cho học nữa…Các anh tức lắm về bàn với mẹ tôi gửi mua bên Pháp đủ các thứ sách đem về học gấp. Năm sau đổi tuổi đi thi đậu, thành ra đỡ được hai năm, đỡ tốn bao nhiêu công lao và tiền bạc. Anh Cả, anh Hai bắt đầu đi dậy học.

-Hoàng Đạo thi vào trường Bưởi nhưng chỉ học ở đó một năm, sau đó ở nhà tự học một năm nữa để thi bằng Thành Chung. Trang 38 Hồi Ký của bà Thế ghi, “Vì anh Tư tôi (Hoàng Đạo) không đủ tuổi đi thi anh mới đổi là Long.” Nếu đúng tuổi đỗ Thành Chung là 16 tuổi thì Hoàng Đạo phải đỗ Thành Chung vào năm 1923 (1907 + 16 tuổi= 1923). Nhưng ở trang 20 sách của Nguien Ngu Í, Nhất Linh cho biết Hoàng Đạo thi nhẩy 2 lớp. Như vậy ta biết là Hoàng Đạo đỗ Thành Chung năm 1921; khi đó tuổi thật của Hoàng Đạo mới 14.

-Thạch Lam sinh 1910 bắt chước 3 anh, phá kỷ lục chỉ học một năm đã đỗ Cao Tiểu (Nguên Ngu Í trang 20). Trang 39 Hồi Ký của bà Thế ghi, “Riêng em Sáu tôi (Thạch Lam) phải đổi tuổi tới hai lần. Lần thứ nhất đổi là Vinh, cũng vì lý do để đủ tuổi đi thi bằng Thành Chung.” Cũng lý luận như với Hoàng Đạo, nếu đỗ Thành Chung lúc 16 tuổi thì Thạch Lam sẽ phải đỗ vào năm 1926 (1910 + 16 tuổi = 1926). Nhưng ở trang 20 sách của Nguien Ngu Í, Nhất Linh cho biết Thạch Lam thi nhẩy ba lớp, do đó Thạch Lam phải đỗ Thành Chung vào năm 1923, trước Nhất Linh.

Như vậy, sau khi đỗ Tiểu học, Thạch Lam đã không thi vào trường Bưởi mà tự học ở nhà một năm và sửa tuổi để năm sau thi băng ba lớp đỗ bằng Thành Chung luôn. Thạch Lam đỗ Thành Chung lúc mới 13 tuổi. Đây là một kỷ lục trong lịch sử thi cử trung tiểu học Việt Nam chưa nghe tới. Việc một “cậu bé” 12 tuổi mới học xong bậc tiểu học mà đã quyết định năm sau thi Thành Chung, chương trình phải mất 4 năm, kể ra là một sự lạ khó tin. Tôi tự hỏi sự hiểu biết ra sao ở tuổi 12 đã khiến Thạch Lam tự tin làm một điều có thể nói là “không tưởng” như vậy? Nhưng ông đã thành công một cách ngoạn mục vào năm 1923, khiến năm sau 1924, khi Tú Mỡ quen Nhất Linh ở sở Tài Chánh, nghe chuyện, Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu) đã có thơ mừng Thạch Lam như sau:

Gửi lời mừng bác Nguyễn Tường Vinh

Đáng bậc thần đồng bọn học sinh

Năm trước vừa ăn kỳ tốt nghiệp

Năm sau liền đỗ bậc Chung Thành

Văn hay phúc ấm nhờ tiên tổ

Cũng bởi công phu gắng học hành

(Hồi Ký Nguyễn Thị Thế trang 40)

-Mặc dù cũng học giỏi, nhưng ông Nhất Linh là người đỗ Thành Chung sau cùng trong mấy anh em, đồng thời ông cũng đỗ Thành Chung muộn màng, lúc đó ông chỉ kém 2 tháng đủ 18 tuổi. Ông sinh ngày 25/7/1906. Năm 1918 thân phụ mất, nhà nghèo, ông phải nghỉ học mất ba năm. Năm 1921 ông mới thi vào đệ nhất niên trường Bưởi. Sau hai niên khóa (1921-1923), thấy bốn người anh em của ông đều đã bỏ trường Bưởi, ở nhà tự học để thi nhẩy lớp đỗ bằng Thành Chung, ông cũng bỏ luôn học bổng của trường, ở nhà tự học một năm rồi 1924, ông đỗ bằng Thành Chung.

-Lý do mấy anh em ông Nhất Linh có thể đổi giấy khai sinh, sửa tên tuổi dễ dàng là nhờ cái triện của ông Lý trưởng Ấp Phiên Đình.

Hồi ký của bà Thế trang 72 ghi “Thỉnh thoảng chúng tôi lại sang chơi bên ấp Phiên Đình là ấp có ông Lý Trưởng đã đưa cả triện lý trưởng cho mẹ tôi muốn đóng vào đâu thì đóng. Chắc hẳn ông không thể ngờ được cái triện đó đã giúp cho mấy nhà văn nổi tiếng trong văn học sau này.”

-Thời trước 1930, danh sách các thí sinh đỗ bằng Thành Chung được đăng trên báo.

Read 2105 times Last modified on Thứ sáu, 04 Tháng 6 2021 02:49
More in this category: « DI CƯ 54 VÀ TÔI
Bạn đang ở trang: Home Bài viết ANH EM ONG NHAT LINH